Đánh thức những giấc mơ ngọt ngào của cư dân phố huyện là âm thanh quen thuộc vọng ra từ chiếc loa phóng thanh công cộng đầu mỗi góc phố. “Krông Pa quê ta hiền hòa, Krông Pa quê ta rực nắng…”(*), đó là những ca từ tự hào ca ngợi sự trù phú, giàu đẹp của quê hương Krông Pa yêu dấu vốn đã quen thuộc với từng người dân Phú Túc mở đầu cho một ngày mới tươi vui, nhộn nhịp trên mảnh đất “hiền hòa”, “rực nắng” này.
Nếu ai đó ghé qua, dừng chân lại nơi đây, chịu khó bỏ qua cái bức rức hầm hập của chảo lửa trần gian cứ chực đổ ập xuống từng nẻo đường quanh co biêng biếc sắc bằng lăng ban trưa, rồi nung nóng những nụ cười thân thiện dẫu chiều buông hay lăn lóc, trằn trọc vì mới giường lạ chiếu trong đêm để rồi chìm vào giấc ngủ miên man khi nhiệt độ dịu dàng hơn lúc gần về sáng thì vẫn phải tung chăn, tắt quạt để bước ra khỏi phòng mà hít thở, mà tận hưởng cái không khí trong lành dịu ngọt của Krông Pa mỗi sớm.
5 giờ sáng. Mây còn lười biếng chưa vội trở mình đón mặt trời lên, Phú Túc chìm trong màn sương bãng lãng. Theo chân từng tốp người tung tẩy đôi tay nhịp bước tập thể dục trên đường, ta có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh vật phố huyện mà ngày hôm trước, vì vội vàng công việc, vì để kịp trốn nắng mà ngồi lì nhâm nhi cốc nước mát ở quán giải khát nào đó ven đường nên vô tình quên chiêm ngưỡng nó.
Tản bộ một vòng quanh tượng đài Chiến Thắng, biểu tượng sừng sững cho một thời chiến đấu oanh liệt của quân dân Krông Pa, nằm giữa trung tâm thị trấn, giao thoa giữa các đầu mối giao thông nối liền thị trấn Phú Túc với các xã ta mới thấy hết sự sầm uất của phố huyện. Người đi bộ tập thể dục vẫn cứ tập. Xe cộ giao thương hàng hóa và hành khách vẫn cứ lưu hành. Những chuyến hàng nông sản trên những chiếc xe thồ thô sơ từ những vườn nhà ven thị trấn vẫn hối hả ngược về trung tâm chợ. Những hoạt động ấy vốn rất bình thường với bất cứ một đô thị lớn nhỏ nào, ở bất cứ nơi đâu nhưng ở Krông Pa, tất cả như nhanh hơn, tấp nập hơn mỗi sáng như để tranh thủ cái mát dịu của đất trời mà hoàn thành trước khi bình minh thức giấc.
Đêm qua, khi thưởng thức cùng bạn bè thân quen hay một mình suy tư trong quán café Suối Reo ngay cạnh chân cầu Ia Mlah, ta nên thả bộ lên cầu để tha hồ thưởng ngoạn cái vẻ hoang sơ của cỏ cây, tiếng róc rách reo hát của dòng suối ngoằn ngoèo len lỏi qua từng phiến đá với những đoạn trơ đáy cát của dòng suối Ia Mlah lung linh dưới ánh đèn đêm và ngẫm nghĩ xem phải chăng cảnh vật nên thơ ấy chính là nguồn cảm hứng cho chủ nhân quán café vườn đặt tên cho quán mình – Suối Reo? Chiếc cầu vẫn gồng mình rung rinh dưới những làn xe sầm sập bon bon xuôi từ Phú Yên tỉnh bạn về qua thị trấn. Chứng tích của chiến thắng Cheo Reo, của con đường 7 huyền thoại năm nào giờ không còn mấy sau nhiều lần thay da đổi thịt của Krông Pa nhưng man mác đâu đó ta vẫn cảm nhận được sự hào hùng của một thời tranh đấu qua vẻ thâm u của phố huyện.
Đêm Krông Pa đẹp và huyền ảo thế! Thì buổi sáng, may mắn khi hẹn cùng các thầy cô giáo trường làng phía Nam sông Pa, ta sẽ thấy thú vị hơn khi lóc cóc trên những con ngựa sắt vào lúc 6 giờ sáng cùng các thầy cô lên đường vào buôn. Những đoạn đường trải nhựa chợt ngắn dần và con đường gập ghềnh sỏi đá và hố bùn lầy bỗng dài thêm ra lúc đầu có thể khiến những người khách lạ lần đầu đi qua ngập ngừng vì mỏi, vì bụi mù hay phải lắc léo qua từng đàn bò chen chúc trên cùng tuyến đường thì chẳng mấy chốc mắt ta sẽ ngập chìm trong ngút ngàn xanh của cánh đồng mè đang đơm bông kết trái trải dài hai bên đường giữa những ngày cuối tháng 5. Tiếng líu lo như chim sơn ca chào ngày mới của cô giáo vừa chắc tay lái dẫn đường vừa nhiệt tình giới thiệu càng khiến người khách lạ say mê và có hứng thú lạ thường với mảnh đất oi nồng này. Đất đai Krông Pa màu mỡ, trù phú chẳng khi nào ngơi nghỉ với biết bao mùa bội thu. Người nông dân quanh năm tần tảo nâng niu từng thớ đất dẫu nắng mưa nghiệt ngã trút xuống Krông Pa để lúa, mì, thuốc lá, bắp, mè… cứ nối tiếp nhau mơn mởn trên cánh đồng nhờ phù sa ân tình của dòng sông Pa lúc đầy lúc vơi ấp ôm bao làng xã.
Mấy thầy cô ấy còn bật mí, sau cái cảm giác chòng chành đến thót tim trên chuyến đò ngang sang sông, còn biết bao điều hấp dẫn bên kia sông mà riêng ở Krông Pa mới có được, và chỉ lưu lại đôi ba bữa thôi thì không thể cảm nhận hết đâu. Loáng thoáng nhớ đã từng đọc đâu đó trên báo, món cà xóc bò, món lòng đắng dê vốn đã trở thành nét đặc trưng về ẩm thực ở xứ xở cằn cỗi xa nhất Gia Lai, khách lạ chắc hẳn không nỡ rời xa Krông Pa ngay sau khi xong công việc.
Nắng nóng đấy, oi nồng đấy nhưng cứ bên nhau trong gian nhà sàn lộng gió, ừng ực từng can rượu cần chắt lọc từ bắp rừng mì rẫy và nhấm nháp vị cay nồng của cà xóc bò, vị nhẫn nhẫn, ngòn ngọt của lòng đắng dê và đê mê với nụ cười sơn nữ thì còn thú vị nào bằng.
Lời hát của cô ca sĩ nào đó phát trên loa công cộng buổi sáng mà khách lạ cố lắng nghe chợt văng vẳng bên tai như lời mời gọi tự tình của KrôngPa: “Dòng sông Pa mênh mông phù sa, mè lên xanh long lanh rừng hoa, cây thuốc lá vươn nhanh tầm cao như nhắn mời anh đến quê em…”(**). Đến Krông Pa một lần sẽ nhớ mãi không quên, có lẽ vậy mà biết bao người thử vận may của mình ở nơi mảnh đất xa xôi này đều dừng chân lâu hơn cái dự định ban đầu. Họ lao động, xây dựng tương lai, sự nghiệp nơi đây. Họ đón nhận tình yêu và vun đắp hạnh phúc chính trên mảnh đất này. Krông Pa, mảnh đất hiền hòa đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều người phải chăng vì lẽ đó!
2012 – VPC
(*),(**): lời trong bài hát Krông Pa, một khúc ca (Nhạc và lời: Văn Chừng)